Do giá thức ăn tăng cao, thiệt hại do dịch bệnh nên mô hình nuôi tôm công nghiệp ở vùng cù lao tỉnh Tiền Giang không còn hiệu quả. Không ít người dân phải “ôm nợ”, không còn tha thiết với mô hình này.
Đến vùng đất cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hiện nay, chúng ta dễ dàng chứng kiến nhiều ao tôm công nghiệp bị bỏ trống hay sang lấp mặt bằng để chuyển sản xuất các mô hình khác. Không ít người dân vùng đất này từng cố gắng đeo bám nhưng mô hình nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả, phải ôm nợ.
Ông Lê Văn Tới, ngư dân ở ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, đã nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp và đã có được nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, vụ nuôi vừa qua 7.000 m2 ao tôm của gia đình ông do bị dịch bệnh nên thu hoạch dù bán giá cao nhưng vẫn không có lãi.
“Nuôi tôm thẻ vụ rồi huề vốn chứ không có lãi. Lý do tôm bị dịch bệnh phân trắng, bỏ ăn, trị bệnh rồi mà tôm không lớn. Bây giờ tôi để nước vậy mai mốt mình xả ra nuôi lại” – ông Lê Văn Tới chia sẻ.
Gần đây, đầu ra thuận lợi nên giá tôm thẻ luôn ở mức cao hơn các năm trước. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg đạt hơn 90.000 đồng/kg, tôm 80 con/kg giá trên 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng vọt, kết hợp với dịch bệnh gây thất thoát tôm nên mô hình nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả.
Tại xã Phú Tân- xã chuyên ngư của huyện Tân Phú Đông có hơn 3.100 ha ao nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm công nghiệp, quảng canh, nuôi cua biển, sò huyết, chỉ có vài hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp thì kém hiệu quả. Qua nhiều năm nuôi thua lỗ đến nay gần 70% ngư dân nuôi tôm công nghiệp trước đây còn “ôm nợ” ngân hàng. Các “kiện tướng” nuôi tôm công nghệ cao một thời vang danh như: Sáu Hí, Hữu Minh… nay phải bán đất để trả nợ vì con tôm công nghiệp.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Tân, địa phương không khuyến khích ngư dân nuôi tôm công nghiệp mà chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, nuôi sò huyết hoặc nuôi tôm quảng canh. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì đòi hỏi vốn đầu tư cao, riêng nuôi tôm quảng canh cần diện tích lớn.
Ông Trần Công Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Con tôm công nghiệp bây giờ phức tạp quá, rủi ro quá cao. Nếu mà nuôi công nghệ cao chi phí đầu tư rất lớn, mà người dân không có vốn để đầu tư mô hình đó. Vừa qua chúng tôi đi học hỏi những địa phương khác các mô hình vừa với khả năng của người dân để đầu tư có hiệu quả đạt lợi nhuận. Đó là định hướng của UBND xã để phát triển kinh tế của xã Phú Tân- xã chuyên ngư”.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) toàn huyện có hơn 2.000 ha ao tôm công nghiệp; trong đó có trên 60ha nuôi theo mô hình công nghệ cao. Mô hình này đạt hiệu quả rất cao. Chủ trương của huyện là hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân chuyển dần mô hình nuôi tôm công nghiệp sang công nghệ cao.
“Nuôi công nghiệp mình đâu có khuyến cáo dừng nhưng mà từng bước nâng lên nuôi công nghệ cao. Định hướng cho người dân nuôi công nghệ cao làm dạng trung trung, không phải đầu tư nhiều, nuôi ao đất chứ không phải ao xây bê tông rất hiệu quả. Chúng tôi đang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị để ngân hàng cho vay để khuyến khích người dân” – ông Nguyễn Văn Hải nói.
Có thể nói con tôm công nghiệp không còn phù hợp với điều kiện của vùng đất cù lao Tân Phú Đông và kém hiệu quả. Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng cần định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện ngư dân chuyển sang mô hình nuôi trồng cây con giống nào thích hợp với đặc điểm điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả, nhất là mang tính ổn định, bền vững để không phải “nợ chồng nợ” như con tôm công nghiệp thời gian qua./.
Nguồn tin: vov.vn