Xuất khẩu tôm kỳ vọng tăng trưởng cao từ đà hồi phục của thị trường

Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước. Người nông dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường và nhu cầu của thế giới.

Phục hồi do nhu cầu thị trường tăng

Thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm tại tỉnh An Giang phấn khởi, vui mừng bởi giá tôm nguyên liệu được thu mua với giá cao. Theo các doanh nghiệp (DN) thu mua, giá tôm thẻ chân trắng tăng hơn 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg và đang dao động từ 95.000 đồng/kg đến 230.000 đồng/kg tùy loại (size 20 – 100 con/kg). Giá tôm thẻ chân trắng năm nay luôn ở mức cao do đầu vụ nuôi tôm mới năm 2022 nguồn cung chưa nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu (XK) khá lớn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), XK mặt hàng tôm trong tháng 4/2022 đạt 406 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch XK 4 tháng lên 1,36 tỷ USD, tăng 41,5%. XK tôm của Việt Nam tăng trưởng tốt ở tất cả thị trường chính như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh…

Dây chuyền chế biến của doanh nghiệp tôm để xuất khẩu. Ảnh: Khánh Linh
Dây chuyền chế biến của doanh nghiệp tôm để xuất khẩu. Ảnh: Khánh Linh

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam do thị trường này mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm, tiếp tục tăng cao. Dự báo, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Sau Mỹ, hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tỷ trọng. Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Do vậy, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Trong khi đó, XK tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2022, dự báo Trung Quốc nhập khẩu tôm tăng mạnh nhưng thị trường này rất khắt khe. Vasep lưu ý các DN khi XK thủy sản sang Trung Quốc cần bảo đảm công tác kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất và thương mại…

Ở góc độ DN, ông Hoàng Văn Duy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kết nối hải sản Mekong nhận định, nhu cầu tôm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại thị trường EU, Mỹ và các thị trường cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa Hè. Các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường EU sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Do đó, người nông dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường và nhu cầu của thế giới.

Tiềm năng lớn nhưng không ít khó khăn

Vasep dự báo kim ngạch XK tôm trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh, XK tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3%.

Tuy nhiên theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù tiềm năng XK tôm năm 2022 rất lớn nhưng có không ít khó khăn. Điển hình là nguồn tôm bố mẹ phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên. Trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn tới người nuôi tôm cũng như doanh nghiệp chưa chủ động được trong sản xuất. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Hiện nay công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường…

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tôm, TS. Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam khẳng định, “điểm trừ” làm giảm lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam là giá thành cao. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng tỉ lệ thu hồi đầu con, tức là tăng tỉ lệ thành công ao nuôi…

“Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, tăng sức cạnh tranh tôm của ta trên thương trường thế giới. Trong canh tác, DN khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi, bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi”– TS. Hồ Quốc Lực nói.

Còn theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các DN chế biến, XK tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, năng suất và chất lượng là hai yếu tố then chốt. Vì vậy, thời gian tới phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là con giống, hạ tầng vùng nuôi trong chuỗi sản xuất tôm. “Chúng ta đang thực hiện 16 FTA, các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, DN chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn” – ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn