Tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu xuất khẩu khẩu ước đạt 920 triệu USD, tăng 18,54% so với năm 2021. Để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh đang tạo điều kiện cho hộ gia đình có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Đồng thời, khuyến khích liên doanh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hình thức hợp tác để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
*Thách thức từ nhiều phía
Chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện đã trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường cũng đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng ở các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông; đồng thời nhiều thị trường tiêu thụ mới cũng được mở rộng.
Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến ngày 30/4, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 230 triệu USD, bằng 26% kế hoạch, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2021. Thủy sản đông lạnh vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với sản lượng 17.500 tấn, chủ yếu là tôm đông lạnh chiếm 17.000 tấn. Với đà phát triển này, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục được xác định là nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022.
Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu đang có 45 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Nếu so với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, số lượng nhà máy chế biến thủy sản của Bạc Liêu tương đối nhiều, nhưng quy mô sản xuất hầu hết đều nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu bền vững, dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Điều này dẫn đến tình trạng, công suất chế biến của các nhà máy chế biến thủy sản chỉ đạt khoảng 60-70% so với công suất thiết kế.
Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long tại địa bàn thị xã Giá Rai chia sẻ, nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Nếu việc thu mua nguyên liệu không đủ, doanh nghiệp sẽ bị trễ hợp đồng với đối tác. Ngoài ra, còn liên quan đến vấn đề vốn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Ở góc độ khách quan, chi phí logistics gia tăng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động… là những điểm nghẽn làm giảm năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh.
Mặc khác, thời gian gần đây, Trung Quốc triển khai hàng loạt quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông, thủy sản Việt Nam… Các quy định này phần nào làm cho doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh Bạc Liêu phải chịu thêm gánh nặng chi phí cũng như thời gian.
*Giải pháp nâng cao năng lực
Để giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế ASC. Đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Bạc Liệu hiện đã có các doanh nghiệp thủy sản tham gia liên kết sản xuất chuỗi giá trị bền vững như: Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, Công ty cổ phần Tôm Miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi … liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm với 8 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 6.000 ha, sản lượng bao tiêu 15.115 tấn tôm tôm nguyên liệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, lĩnh vực thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn khi chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm 28% cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỉnh đang tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các hoạt động tư vấn khuyến khích doanh nghiệp, người nuôi tôm đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng rộng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC,…, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng có truy xuất nguồn gốc phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Tỉnh cũng quan tâm đầu tư phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng như mô hình tôm – rừng ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A; mô hình tôm – lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A nhằm giữ lợi thế cạnh tranh về sản phẩm tôm sạch trên thị trường thế giới.
Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu sẽ ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ các thủ tục về đất đai, xây dựng trụ sở, kho chứa hàng giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, tìm kiếm đối tác mới, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu./.
Nguồn tin: bnews.vn