Xuất khẩu tôm đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Theo đó, để kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 cao hơn 2021, ngành tôm cần phải thực hiện hàng loạt các giải pháp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có kết luận tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022”.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đối mặt nhiều rủi ro trong năm 2022. |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020), trong đó tôm sú 265 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 665 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD (tăng 4,0% so với năm 2020).
Năm 2022, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ô nhiễm môi trường, khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn rủi ro,nguy cơ phát sinh dịch bệnh; giá xăng dầu, giá vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường) tăng cao; chiến tranh giữa Nga-Ukraine, cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành tôm nước ta cũng có nhiều cơ hội tiếp tục phục hồi và phát triển tốt, nhu cầu đối với các mặt hàng thủy sản của thế giới gia tăng sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm của nước ta.
Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 cao hơn 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022; chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tổng hợp và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong ngành tôm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường và truy xuất nguồn gốc.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để địa phương, doanh nghiệp, người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2022; chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đặc biệt là công tác xác nhận đăng ký (cấp mã số) cơ sở nuôi tôm phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu đẩy mạnh tổ chức liên kết trong chuỗi tôm (các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành lập các tổ hợp tác/hợp tác xã, các tổ hợp tác/hợp tác xã cần liên kết với các doanh nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm), đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất.
Các hội, hiệp hội về thủy sản vận động, tuyên truyền các hội viên tích cực tham gia nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Đồng thời, các doanh nghiệp, người nuôi tôm tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC,…) để nâng cao giá trị sản phẩm; Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới.
Nguồn tin: vnbusiness.vn