Năng suất cao từ mô hình nuôi tôm công nghiệp có lót bạt

Lót bạt trên toàn diện tích ao sẽ giúp môi trường nước không bị viêm nhiễm, tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và năng suất đạt cao hơn so với việc nuôi bằng ao đất truyền thống.

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều tỉnh miền Tây. Tại Cà Mau, mô hình này đang rất phát triển và mang lại nhiều triển vọng cho người nuôi. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ mô hình này.

Điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mang lại năng suất cao hơn so với mô hình nuôi tôm công nghiệp bằng ao đất truyền thống.

1-nguoi-vi-pham-da-dao-boi-san-lap-thanh-mo-hinh-cua-ao-nuoi-tom-cong-nghiep-nhung-xa-bao-cao-chua-hinh-thanh-ao.jpg
Ao nuôi mới cải tạo

Anh Tuấn, người nuôi tôm công nghiệp nhiều năm ở huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Trước đây khi bắt đầu khởi nghiệp bằng nuôi tôm công nghiệp, tôi nuôi khoảng 3 hec-ta, chủ yếu bằng ao đất. Tuy nhiên, sản lượng đạt không cao, nuôi được vài vụ là đất bị viêm nhiễm khuẩn nên những vụ nuôi sau đó thường không mang lại hiệu quả. Đó là tình trạng chung của các hộ nuôi bằng ao đất chứ không riêng gì tôi. Thời đó, trung bình 1.000m2 diện tích mặt nước cho năng suất khoảng 25-30 tấn/năm là trúng rồi đó”.

Nhiều lần nuôi tôm công nghiệp bị “gãy gánh” giữa đường, anh Tuấn đâm ra chán nản, có những lúc anh đã muốn bán đất để chuyển sang công việc mới. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình và gắn bó với con tôm ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp nên anh Tuấn đã lật tìm trên các trang mạng để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Và rồi, trời đã không phụ lòng của người chịu mày mò, học hỏi nên thành công đã đến với anh là một điều tất yếu.

cong-nghiep-1.jpg
Trải bạt khi nuôi sẽ mang lại hiệu quả cao

“Lần đó, tình cờ tôi xem đài quốc tế phát phóng sự về kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Israel. Ở đó, người dân rất chuộng mô hình này vì hiệu quả, năng suất mang lại rất cao. Sau đó, tôi mới lần mò lên mạng tìm hiểu và bắt đầu đầu tư vào các ao nuôi của mình thêm một lần nữa”.

Đang lúc suy sụp mà học được kỹ thuật mới, anh Tuấn mừng rỡ như vừa “bắt được vàng”. Thế là anh bắt đầu đầu tư trải bạt trên toàn diện tích ao nuôi của gia đình và cải tiến quy trình nuôi sang 2 giai đoạn. Cụ thể, ở tháng đầu tiên, anh nuôi ở mật độ dày đến khi tôm đủ 30 ngày tuổi thì anh bắt đầu chiết thả ra với mật độ thưa hơn để tạo môi trường tốt cho tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

cong-nghiep.jpg
Đây là mô hình triển vọng

Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Với cách nuôi có lót bạt, trước khi thả nuôi mình xử lý nguồn nước đạt tiêu chuẩn thì tôm sẽ sinh trưởng rất tốt, không bị hao hụt, gãy gánh giữa chừng như nuôi bằng ao đất. Đặc biệt, khi những lúc thời tiết thất thường như mưa nắng hiện nay thì tôm nuôi vẫn khoẻ mạnh bình thường. Chứ như nuôi ao đất như ngày trước thì thời điểm giao mùa tôm dễ bị nhiễm bệnh và hao hụt. Mô hình này mang lại năng suất rất cao, khoảng 60-70 tấn/1.000m2 diện tích mặt nước/năm”.

Một cán bộ khuyến ngư ở huyện Ngọc Hiển đánh giá: “So với cách nuôi bằng ao đất truyền thống như trước đây thì mô hình nuôi tôm công nghiệp lót bạt mang lại hiệu quả, năng suất cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mô hình nuôi này phải tốn chi phí đầu tư rất cao”.

Nguồn tin: 1thegioi.vn