Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Con tôm vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của ngành thủy sản và còn khá nhiều dư địa để phát triển. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản đạt 8,9 tỷ USD, xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD. Thế nhưng, sản xuất, chế biến tôm của nước ta vẫn tồn tại không ít bất cập, làm cản trở việc phát triển bền vững.
Nhiều hạn chế, bất cập
Anh Huỳnh Văn Tiếng, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vẫn không thể nào quên chuyện vài năm trước, khi ham rẻ, thả nuôi tôm bằng con giống kém chất lượng khiến anh suýt sạt nghiệp. Anh bảo: “Thả nuôi con tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là chắc chắn thất bại, thậm chí phá sản”.
Tình trạng sản xuất tôm giống, đặc biệt là thả nuôi con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc kéo dài bấy lâu nay trở thành “gót chân Asin” của ngành tôm. Phát biểu về vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ rõ: “Hiện công tác quản lý chất lượng tôm giống vẫn là khâu yếu. Để quản lý chất lượng tôm giống không chỉ quản lý nơi sản xuất tôm giống mà cần sự tham gia tích cực của cả người nuôi tôm. Việc nuôi tôm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến chính người nuôi. Nếu chúng ta không sớm xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, đồng thời đầu tư hệ thống cung cấp nước nuôi tôm bảo đảm, xử lý nước sau khi nuôi tôm thì không chỉ môi trường phải trả giá mà còn là một trong những nguy cơ gây thiệt hại cho người nuôi tôm, làm lây lan dịch bệnh cho con tôm”.
Một cơ sở sản xuất tôm giống tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: DIỆP ANH |
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, trong nước chỉ sản xuất được 41.000 con tôm bố mẹ (21.000 con tôm thẻ chân trắng, 20.000 con tôm sú), trong khi nước ta phải nhập khẩu mỗi năm 240.273 con thẻ chân trắng bố mẹ và 532 con tôm sú bố mẹ. Như vậy, phần lớn nguồn tôm bố mẹ (tôm bố mẹ để sản xuất tôm giống) hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu và một phần nhỏ khai thác từ tự nhiên. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm giống kém chất lượng vẫn còn “đất” tồn tại bấy lâu nay.
Không chỉ phụ thuộc nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, hiện ngành sản xuất, chế biến tôm của Việt Nam còn bộc lộ hàng loạt khó khăn, bất cập. Ví như tình trạng nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân do giá thức ăn nuôi tôm chiếm khoảng trên 65% giá thành sản xuất nuôi tôm công nghiệp; chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao; hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến việc nguồn nước dễ bị ô nhiễm do những chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt; tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp; hệ thống cấp, thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, hiện công nghệ nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Một bất cập nữa được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: “Các nước nuôi tôm ở châu Mỹ hiện chỉ lo chi phí thức ăn nuôi tôm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, còn vấn đề dịch bệnh họ đã kiểm soát rất tốt. Trong khi Việt Nam vẫn phải lo kiểm soát dịch bệnh trên tôm và thức ăn nuôi tôm”.
Để phát triển con tôm bền vững
“Nếu từng địa phương không hành động quyết liệt thì ngành tôm chẳng những khó phát triển mà còn thụt lùi, rất khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cảnh báo.
Đồng quan điểm trên, ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cũng thẳng thắn nhận xét: “Công tác quản lý tôm giống thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế. Thời gian tới chúng ta phải quản lý tốt hơn. Nếu chúng ta không quản lý tốt thì ngành tôm sẽ khó đạt mục tiêu KNXK vào năm 2025”.
Để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển ngành sản xuất, nuôi, chế biến tôm bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); thực hiện tốt quy chế quản lý giống tôm nước lợ nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh, thả nuôi tôm giống không rõ nguồn gốc, tôm giống kém chất lượng, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tại địa phương cần thực hiện hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… hướng tới chuyển từ sản xuất nông nghiệp “nâu” sang nông nghiệp “xanh” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho người nuôi tôm.
Nguồn tin: qdnd.vn