Thời gian qua, trên địa bàn xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt nuôi tôm theo hình thức thâm canh nhưng chủ yếu là tự phát. Thực tế, các đầm tôm được người dân nối trực tiếp ra sông để xả nước thải, không có bể chứa. Có nhiều trường hợp đục, khoan đê để nối ống dẫn thải.
Những ao tôm vừa được xây mới lại trên địa bàn xã Hoằng Yến
Nhan nhản vi phạm
Theo ghi nhận thực tế trên địa bàn xã Hoằng Yến người dân đào ao nuôi tôm nước lợ và nước ngọt nhiều, trong đó dọc tuyến sông Lạch Trường, sông Cung có khoảng 100 hộ dân nuôi ở ngoại đê. Nhiều ao nuôi mới được xây dựng trong một thời gian ngắn.
Dọc các tuyến sông, một số hộ dân xây dựng tường bao vào hành lang đê điều, tự ý đào, cắt mặt đê để chôn ống nhựa qua đê lấy nước và xả thải ra sông. Tất cả những đầm nuôi tôm ngoại đê đều xả thải trực tiếp ra sông Cung, sông Lạch Trường ảnh hưởng đến môi trường.
Dọc tuyến sông Lạch Trường nhan nhản những ao nuôi tôm được che chắn
Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 9/2021, Hạt quản lý đê Hoằng Hoá cũng đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hoằng Hoá về việc trên tuyến đê Đông sông Cung thuộc địa bàn xã Hoằng Yến có tình trạng 10 hộ dân tự ý đào, cắt mặt đê, xây dựng ao lót bạt trong phạm vi hành lang đê. Ngay sau đó, UBND huyện Hoằng Hoá cũng đã yêu cầu UBND xã Hoằng Yến kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Thống kê có khoảng 100 hộ dân nuôi tôm giáp sông Lạch Trường, sông Cung
Ông Lê Trọng Thảo – Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến cho biết: Mô hình nuôi tôm ở địa phương có từ rất lâu. Hiện nay nhiều hộ nuôi theo công nghệ cao. Thống kê có 150 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng 100 hộ nuôi ngoài đê. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản chiếm 250 ha, có 30 ha nuôi tôm nước ngọt.
“Đối với các hộ dân vi phạm về Luật đê điều thì xã cũng đã xử phạt và họ đã chấp hành khắc phục hậu quả. Riêng về vấn đề môi trường thì vẫn nan giải, xã cũng đang tìm hướng giải quyết vì nuôi tôm mà không lấy nguồn nước và có hệ thống xả thải thì rất khó.
Ở đây không thể làm quyết liệt ngay được vì người dân sẽ phản ứng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét để đầu tư hạ tầng xử lý nước thải ra môi trường.
Những đường ống được nối thẳng từ sông vào ao nuôi tôm
Bao giờ mới xử lý triệt để vi phạm môi trường?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Bá Duy – Chuyên viên phòng Nông Nghiệp huyện Hoằng Hoá cho biết, năm 2020, Huyện có Đề án về nuôi trồng thuỷ sản nước lợ đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trước năm 2020 đã có hiện tượng người dân tự phát nuôi tôm trong và ngoài đê. Quy hoạch vùng nuôi tôm ở xã Hoằng Yến cũng đang trong quá trình thực hiện nên chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Và xả thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống xử lý
“Trên địa bàn xã Hoằng Yến có tuyến đê cấp 4 đi qua dài 3,2km. Qua kiểm tra thì phát hiện có 10 hộ dân vi phạm về Luật đê điều. Về việc này, UBND xã Hoằng Yến cũng đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ dân”, ông Duy nói.
Còn ông Lê Xuân Nhất – Chuyên viên Phòng TN&MT huyện Hoằng Hoá xác nhận và cho rằng: Đúng là có tình trạng người dân nuôi tôm xả thải ra môi trường. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và địa phương để rà soát, kiểm tra cụ thể theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.
Theo như phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hoá thì việc nuôi tôm ở xã Hoằng Yến nằm trong vùng quy hoạch, đang trong quá trình thực hiện nên chưa có hệ thống xử lý nước thải
Trước đó, UBND huyện Hoằng Hoá đã ban hành văn bản số 2049/UBND-NN&PTNT ngày 13/09/2021 yêu cầu UBND các phòng: TN&MT, Nông nghiệp, Kinh tế – Hạ tầng và các địa phương thuộc phạm vi thực hiện Đề án nuôi về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.
Trong văn bản này, UBND huyện Hoằng Hoá cũng đã chỉ ra những thiếu sót như: Việc nuôi tôm chủ yếu tự phát, công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường và quy trình nuôi thuỷ sản nước lợ thiếu chặt chẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều hệ luỵ về sau.
Trước thực tế này, UBND huyện yêu cầu các phòng chuyên môn, các xã trên địa bàn rà soát lại công tác quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, quy trình nuôi, nguồn nước và nước thải.
Chỉ đạo là vậy nhưng thực tế, trao đổi với các chuyên viên phòng Nông nghiệp, TN&MT huyện này lại cho rằng vẫn đang kiểm tra, rà soát. Như ông Lê Bá Duy cung cấp thống kê ở Hoằng Yến chỉ có 90 hộ dân nuôi tôm, trong đó có khoảng 2/3 nuôi ở ngoài đê. So với số liệu mà ông Lê Trọng Thảo – Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến thông tin thì dường như “vênh” nhau hoặc do đến nay các phòng chuyên môn của huyện Hoằng Hoá chưa rà soát lại cụ thể.
Nguồn tin: baogiaothong.vn