Nhu cầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp sinh thái chất lượng cao đang trở thành xu thế. Vì vậy, để nông dân sống khỏe với con tôm, cây lúa cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu “Lúa thơm, tôm sạch” rộng lớn.
Trước đây, tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), khi nông dân chỉ trồng vài công lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với mục đích ban đầu là tạo gốc rạ cho tôm mùa vụ sau nhưng lại trúng mùa bội thu. Thành công từ cách “làm chơi ăn thật” của bà con xã Tân Lộc như trên đã có từ nhiều năm nay ở huyện Thới Bình và nhiều huyện khác trong tỉnh Cà Mau. Mô hình “Con tôm ôm cây lúa” đang là xu thế canh tác của bà con nơi đây.
Tại xã Trí Lực (cùng huyện Thới Bình), mô hình “Cây lúa thơm nuôi con tôm sạch” đã, đang được đẩy mạnh thành tập quán canh tác bền vững. Ban đầu, hạn mặn làm cho con tôm không trụ được khi độ mặn quá cao, quay sang trồng lúa thì lúa cũng chết, khiến đời sống người dân cơ cực.
Cơ duyên giống lúa thơm ST24 và ST25 của Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) đã đến nơi đây. Không ngờ giống gạo ngon nhất thế giới (2019) ST25 lại phù hợp vùng đất mặn, phèn này. Cứ trúng vụ lúa ST là đồng nghĩa sẽ trúng vụ tôm hữu cơ, làm cho người dân nhận thức rõ về tiềm năng thị trường lúa sạch, tôm sạch. Từ đó cùng nhau vào hợp tác xã (HTX) xây dựng sản phẩm OCOP. Thương hiệu gạo Hoàng Yến và tôm sạch Trí Lực của gần 500 hộ dân HTX Trí Lực đã ra đời như vậy. Thương hiệu tôm – lúa Trí Lực đã, đang ngày càng được sự tín nhiệm của người tiêu dùng khi lượng tiêu thụ tăng không đủ đáp ứng.
Huyện Thới Bình là vùng lúa, tôm của tỉnh Cà Mau với khoảng 20.000ha, chiếm gần 50% diện tích lúa, tôm trên địa bàn tỉnh. Nhờ tăng cường tuyên truyền, chuyển giao khoa học, kỹ thuật mà đến nay có 70% số nông hộ canh tác lúa, tôm trên địa bàn huyện đã chuyển đổi các giống lúa mùa phẩm chất gạo thấp sang các giống ngắn ngày chất lượng cao ST, được canh tác theo quy trình lúa hữu cơ, sinh thái…
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu trong một hội thảo gần đây cho rằng, “Lúa thơm, tôm sạch” là một mô hình hiệu quả để người dân sống khỏe vì thu nhập ngày được nâng cao. Người dân được khỏe theo đúng nghĩa đen, đó là sản xuất tôm – lúa trong môi trường sinh thái, đảm bảo cho người dân có sức khỏe tốt, không ô nhiễm môi trường, nguồn nước đảm bảo sạch, không bị tác động của phân bón. Muốn làm được điều đó, phải là trách nhiệm của toàn ngành, toàn xã hội trong tìm hiểu, định hướng nhận thức người dân trong p ơng cách sản xuất an toàn, hình thành một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.
Ông Trần Văn Công, Tham tán kinh tế tại EU thông tin, nhu cầu gạo, tôm sạch ở thị trường EU mỗi năm là 180.000 tấn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ cung cấp mỗi năm khoảng 47.000 tấn. Vì vậy, ĐBSCL là vựa tôm, lúa chính của cả nước nếu hình thành được nền nông nghiệp sinh thái an toàn, cung cấp đủ gạo, tôm sạch cho thị trường thế giới nói chung, EU nói riêng sẽ tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế, cũng là cơ hội đổi đời cho hàng triệu người dân.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng năm, nên diện tích lúa, tôm của tỉnh luôn thay đổi. Có lúc diện tích lấn ra biển khi hạn mặn xâm thực ít, nhưng có lúc lại lùi sâu vào nội đồng do hạn mặn xâm thực cao. Vì vậy, nhu cầu cải tạo hệ thống thủy lợi để điều tiết mặn, ngọt là rất lớn đối với tỉnh. Đặc biệt, nhu cầu dẫn nước ngọt từ sông Cái Lớn, Cái Bé đang là điều kiện để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tại Sóc Trăng, mô hình luân canh tôm lúa được nông dân trong tỉnh áp dụng gần 30 năm nay và tiếp tục duy trì qua từng năm, mặc dù diện tích sản xuất lúa tôm của tỉnh khá khiêm tốn so với tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Tỉnh Sóc Trăng chỉ có khoảng 17.700ha, tập trung tại huyện Mỹ Xuyên là nơi có mô hình sản xuất tôm lúa hiệu quả.
Một số chuyên gia, cũng như lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, để mô hình lúa – tôm đi vào hiệu quả thiết thực, rộng khắp cần có sự phối hợp giữa các ngành, các khâu. Trong đó có thể phải xem xét điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới khi phải nâng cấp mở rộng lộ giao thông nông thôn phù hợp qui trình sản xuất “Lúa thơm, tôm sạch”. Mặt khác, nâng cấp chuẩn số hóa cho toàn bộ qui trình sản xuất nhằm tạo một qui chuẩn chất lượng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Có như thế, sản phẩm “Lúa thơm, tôm sạch” mới có thể dễ dàng thông hành vào các thị trường khó tính của thế giới như: Mỹ, EU, Trung đông…
Nguồn tin: cand.com.vn