Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre rất hiệu quả, nhiều người dân vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh quyết tâm nhân rộng mô hình này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đến nay, có 3 huyện ven biển là: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để hỗ trợ cho ngư dân về kỹ thuật, cung ứng vật tư, con giống, thức ăn và tiêu thụ để nuôi tôm công nghệ cao. Qua đó, tổng diện tích của mô hình này hơn 2.000 hecta, năng suất bình quân 60 – 70 tấn/hecta, ước sản lượng đạt 40.000 tấn. Tuy mới nuôi tôm công nghệ cao 2 năm nhưng hiệu quả mô hình này đạt rất cao, gần 90% ao nuôi có lãi và diện tích ao nuôi ngày càng tăng lên. Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre đến năm 2025, toàn tỉnh nuôi 4.000 hecta; trong đó huyện Bình Đại 2.000 hecta, Thạnh Phú 1.500 hecta và huyện Ba Tri 500 hecta.
Ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, đến nay, toàn huyện đã phát triển gần 1.000 hecta nuôi tôm công nghệ cao, vượt kế hoạch đề ra và hiệu quả cao gấp nhiều lần so với mô hình nuôi tôm truyền thống. Tuy nhiên vốn đầu tư cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao khá lớn (hơn 800 triệu đồng/hecta). Do đó, để nhân rộng mô hình này, ngoài vấn đề chuyển giao kỹ thuật, người dân cần được sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng.
“Mô hình tôm công nghệ cao huyện có 1 câu lạc bộ Hội quán của Hội Nông dân, chúng tôi sinh hoạt nuôi tôm công nghệ cao, cà phê hàng tháng để cho anh em trao đổi, rút kinh nghiệm với nhau trong vấn đề kỹ thuật, mở rộng vùng nuôi, hướng dẫn người nông dân chưa có điều kiện nuôi hợp tác nhân rộng. Giải pháp tự lực của nông dân và doanh nghiệp đầu tư là chính nhưng nhà nước phải có chính sách ưu đãi về vốn nhất là lãi suất. Vì đầu vào để nuôi con tôm lớn vốn, có người không đủ vốn nhưng không đủ cần tiếp cận nuồn vốn vay, có chính sách thì ngân hàng thương mại mới áp dụng được”, ông Võ Văn Quân cho biết./.
Nguồn tin: vov.vn