Ngành tôm ĐBSCL dần phục hồi

Dù dịch Covid-19 kéo dài, xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 vẫn trên đà tăng trưởng sau thời gian chững lại. Việc này đã góp phần thúc đẩy giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL tăng dần

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10-2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,2 tỉ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỉ USD, tăng 25%; EU chiếm 12% với 864 triệu USD, tăng 7%; Hàn Quốc chiếm 9% với 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,08 tỉ USD, giảm 7%; Trung Quốc 872 triệu USD, giảm 24%…

Khi chuỗi cung ứng được thông suốt

Tính riêng tháng 10-2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31% so với tháng 10-2020, tiếp đến là Hàn Quốc tăng 20%, Canada tăng 17%, EU tăng 9%… Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.

Ngành tôm ĐBSCL dần phục hồi - Ảnh 1.

Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại người nuôi bớt lo lắng .Ảnh: DUY NHÂN

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), nhờ các tỉnh, thành phía Nam chuyển sang thích ứng với dịch Covid-19 trong tình hình mới, chuỗi cung ứng được kết nối thông suốt nên xuất khẩu tôm của Việt Nam dần phục hồi kể từ tháng 10-2021.

Ngoài ra, quý IV là thời điểm nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Âu, Mỹ… luôn ở mức cao nhằm đáp ứng tiêu thụ dịp cuối năm. Bên cạnh đó, ngành tôm còn được hỗ trợ bởi giá tôm trên thị trường đang có xu hướng tăng. Giá tôm nguyên liệu tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia có xu hướng tăng do tình trạng thiếu hụt.

Giá tôm nguyên liệu tăng cùng với việc xuất khẩu đang dần phục hồi đã mở ra tương lai sáng sủa cho ngành tôm những tháng cuối năm. Đây cũng là động lực để người nuôi tôm và các DN xuất khẩu thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của ngành tôm từ trước tới nay bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

“Mấy tháng qua, DN thủy sản gặp rất nhiều áp lực vì thiếu nguồn lao động do dịch Covid-19 bùng phát, có lúc phải dừng sản xuất. Đến nay, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề vắc-xin cho công nhân, cùng với việc tôm tăng giá trở lại, nhu cầu thị trường tăng cuối năm là thời cơ tốt để công ty nắm bắt, tăng tốc, khôi phục sản xuất” – bà Hồ Thị Kiểng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), kỳ vọng.

Theo ông Ngô Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Anh Tuấn (TP Cần Thơ), giá tôm đang khá tốt do việc đi lại thuận tiện hơn trước. “Lúc này, tôm nguyên liệu cũng hết dần vì đợt dịch vừa rồi nhiều nông dân không thả nuôi. Công ty chúng tôi vừa thả nuôi vụ mới, gần Tết nguyên đán sẽ có tôm nguyên liệu xuất bán” – ông cho biết.

Người nuôi tôm lạc quan

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang phục hồi và tăng dần trong vài tuần qua đã phần nào giải tỏa áp lực rủi ro đối với các hộ nuôi. Hiện nay, giá mua tại ao đối với tôm thẻ cỡ 100 con/kg là 90.000 đồng, loại 40-60 con/kg từ 120.000-140.000 đồng, 30 con/kg: 160.000 đồng, 25 con/kg: 180.000 đồng, 20 con/kg: 240.000 đồng. Tôm sú loại 20 con/kg được tư thương mua với giá khoảng 250.000 đồng, 30 con/kg từ 180.000-190.000 đồng. Với mức giá thu mua như vậy, người nuôi tôm vẫn có lãi dù giá thức ăn và các loại thuốc thủy sản vẫn ở mức cao.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa phương có sản lượng tôm nuôi và xuất khẩu lớn nhất nước như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Song, việc giá tôm nguyên liệu tăng dần vào cuối năm đã xua tan nỗi lo lắng cho người nuôi.

Ông Ngô Minh Nguyên – ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu – cho biết vừa thu hoạch ao tôm thẻ được gần 1 tấn, kích cỡ 30 con/kg, bán được giá 160.000 đồng/kg, lãi gần 70 triệu đồng. “Tháng trước, vì lo ngại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới giá tôm cuối năm nên tôi định thu hoạch sớm cả 4 ao tôm. Nếu bán lúc đó thì chỉ có thể thu hồi vốn chứ không có lãi. Nhưng khi giá tôm có dấu hiệu tăng trở lại, tôi chỉ thu hoạch 1 ao. Còn lại 3 ao, tôm cũng có kích cỡ tương tự, tôi đợi đạt cỡ lớn hơn và giá nhích lên thêm mới thu hoạch để được nhiều lãi hơn” – ông tính toán.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, thông thường vào những tháng cuối năm, giá tôm nguyên liệu cao hơn các tháng khác trong năm. Vì vậy, ở thời điểm này, người nuôi tôm ai cũng đặt kỳ vọng lớn vào vụ nuôi cuối năm.

VASEP nhận định nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tôm vẫn cao. Việc sản xuất, chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỉ lệ tiêm vắc-xin ở các tỉnh, thành ĐBSCL tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch Covid-19.

Nguồn tin: nld.com.vn