Tỷ phú nuôi tôm tỉnh Quảng Nam trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021, từng “vứt” 20 tỷ xuống đồng hoang

Nông dân Nguyễn Xuân Cần đã trải qua rất nhiều lần thất bại, có lúc sổ đỏ, nhà cửa mang đi “cầm” để bám lấy cái nghiệp nuôi tôm. Rồi từ đây, đất không phụ lòng người, có chí làm giàu đã giúp nông dân Cần trở thành ông “vua tôm” ở tỉnh Quảng Nam.

Vinh dự hơn, nay nông dân Nguyễn Xuân Cần đại diện cho hàng chục ngàn nông dân tỉnh Quảng Nam được Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.

“Vứt” 20 tỷ đồng xuống đồng hoang…

Những ngày cuối tháng 11/2021, dưới cơm mưa rả rích phóng viên Báo điện tử Dân Việt có mặt tại trang trại nuôi tôm của nông dân Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để gặp “vua tôm”.

Khu đất trang trại nuôi tôm của nông dân Nguyễn Xuân Cần cách đây khoảng 10 năm là một bãi đất hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm.

Nhưng nay đã có hàng chục trang, gia trại, trung tâm giống tôm mọc lên, biến khu đất hoang sơ ngày nào trở thành trung tâm nuôi tôm tầm cỡ khu vực Quảng Nam với một công nghệ hiện đại.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 1.

Trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng rộng đến 9ha được đầu tư bài bản của nông dân Nguyễn Xuân Cần (Ảnh: Trương Hồng)

Sinh ra và lớn lên ở đất Bình Hải, vây bọc bởi cát, sóng và gió, thuở thiếu thời của nông dân Nguyễn Xuân Cần là những tháng ngày cơ cực.

Nhưng với sự quyết tâm, với chí làm giàu của người nông dân đã vượt qua thử thách đến thành công. Dù năm nay 41 năm tuổi đời, nhưng nông dân Nguyễn Xuân Cần đã có thâm niên 15 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng.

Nông dân Nguyễn Xuân Cần cho biết: Sau những tháng này lăn lũ ở miền Nam với công việc làm thuê, kiếm được ít vốn anh bắt đầu trở về lại quê hương lập nghiệp.

Sau bao tháng ngày nằm suy nghĩ vì sao đất ở nơi mình rất nhiều mà bỏ hoang không tận dụng cho chăn nuôi, vì là đất cát nên không chăn nuôi gia súc, gia cầm được, thế là ông Cần bắt đầu đi thuê đất để lập nghiệp bằng con tôm thẻ chân trắng.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Xuân Cần bên một trong hàng chục ao nuôi tôm được xây dựng kiên cố, máy móc hiện đại (Ảnh: Trương Hồng)

“Những năm đầu tôi bắt đầu việc nuôi tôm bằng kinh nghiệm của bản thân tự học hỏi từ những bậc cao niên trong vùng. Những ao nuôi tôm nhỏ lẻ, nuôi theo cách thô sơ, vã lại không có kinh nghiệm nên mấy năm đầu tiên liên tục thua lỗ vì tôm nuôi không lớn, dịch bệnh triền miên.

Liên tục 3 năm đầu tôi thất bại hoàn toàn (từ năm 2006 đến năm 2009), nguồn vốn trong túi cũng cạn kiệt. Không đầu hàng số phận và trước sự an ủi của vợ, tôi quyết định mang sổ đỏ, nhà cửa đi cắm ngân hàng để kiếm vốn đánh liều với con tôm. Với ý chí quyết tâm chinh phục cho bằng được, không chịu thua con tôm, thế là tôi bắt đầu bỏ ra hai năm đi học hỏi kinh nghiệm về nuôi tôm…”, nông dân Cần chia sẻ.

Nông dân Nguyễn Xuân Cần kể tiếp: Để học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm, ông lặn lội khắp các vùng nuôi tôm trong cả nước từ Quảng Bình, Quảng Ninh cho đến Cần Thơ, Cà Mau, nơi đâu ông cũng lượm lặt ý tưởng ngõ hầu đúc kết lại cho mình một quy trình nuôi phù hợp.

Đến năm 2011, sau khi học hỏi được kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng, ông bắt đầu dùng số tiền “cắm” sổ đỏ, nhà cửa đó thuê đất của nhà nước ở xã Bình Hải để đầu tư mô hình nuôi tôm hiện đại hơn.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 3.

“Vua tôm” xứ Quảng Nam chia sẻ với phóng viên Dân Việt về việc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” (Ảnh: Trương Hồng)

“Đối với bản thân của một người nông dân thì việc trồng một cây gì hay nuôi con gì thì lúc nào mong muốn của họ cũng có lợi nhuận. Và cái quan trọng mà tôi đúc kết đó là, muốn thành công phải có thất bại, quan trọng nhất là ý chí và sự quyết tâm không đầu hàng số phận.

Đặc biệt, phải biết nắm lấy cơ hội và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, trồng trọt. Chứ mà chăn nuôi đại trà chỉ có lỗ mãi chứ không có lãi…”, nông dân Cần chia sẻ.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 4.

Kiểm tra tình hình tôm ở hồ tôm thịt (Ảnh: Trương Hồng)

Cũng theo ông Cần, từ năm 2011 đến nay, ông đã thuê được 9ha diện tích đất của nhà nước để xây dựng trung tâm nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong chăn nuôi, kể cả đầu tư máy móc hiện đại như máy thở oxy cho tôm, máy sục khí, máy phát điện.

Đặc biệt, khu chăn nuôi tôm ông Cần chia ra làm 3 phân khu, khu thứ nhất là các ao, bể ươm tôm giống, khu thứ hai là ao xử lý nước và khu thứ ba là ao nuôi tôm thịt.

“Hiện tại với diện tích 9ha, tôi sử dụng 60% diện tích để làm ao nuôi tôm thịt, còn lại 40% là khu ươm, khu xử lý nước. Bên cạnh nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi mà tôi còn có đội ngũ lao động được đào tạo bài bản trong ngành chăn nuôi thủy sản. Với 20 lao động, trong đó có 5 kỹ thuật chuyên ngành Đại học thủy sản trở lên.

Nhờ đó, mà 3 năm liên tục từ năm 2012 đến năm 2015, mỗi năm tôi lãi ròng hơn 3 tỷ đồng”, nông dân Cần phấn khởi.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 5.

Nông dân Nguyễn Xuân Cần đang kiểm tra một ao nuôi tôm (Ảnh: Trương Hồng)

Sau khi có số vốn lãi đó, ông Cần tiếp tục đầu tư và mở rộng thêm diện tích ao nuôi tôm thịt ra, hiện nay ông 26 khu ao nuôi tôm thịt, chưa kể khu nuôi tôm ươm, tính đến nay tổng số vốn ông bỏ ra đầu tư cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng là hơn 20 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng nuôi tôm, ông Cần chỉ cho chúng tôi một ao nuôi tôm với đầy đủ trang thiết bị và ao nuôi được lót bạt bài bản.

Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm 2 ao chứa lắng, 1 hố ga và 1 ao xử lý nước thải. Để có thể cung cấp đủ oxy cho tôm với mật độ cao là 300 con/m2, ở mỗi ao nuôi, ông bố trí 1 dàn oxy đáy, 6 dàn quạt sục khí.

Ở mỗi ao, ông đều đầu tư 1 hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát môi trường nước trong ao. Ngoài ra, để khống chế các yếu tố có thể gây bệnh trên tôm nuôi, ông luôn thay nước ao nuôi sau khi đã xử lý qua ao chứa lắng.

“Điều quan trọng trong nuôi tôm là tránh việc tù đọng nguồn nước bởi đây chính là môi trường lý tưởng cho hoạt động của các sinh vật gây bệnh trên tôm. Chúng tôi thường xuyên thay nước ao tôm, trừ lúc cho tôm ăn và khi tôm lột xác. Phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh là như vậy…”, ông Cần chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo nông dân Nguyễn Xuân Cần, trong cách đầu tư nuôi tôm “sạch” của ông, ông đặc biệt coi trọng con giống chất lượng từ các công ty giống như Việt Úc, công ty CP…, và phải nuôi theo cách nuôi quy trình an toàn sinh học, tức là sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho hóa chất, kháng sinh. Nhờ đó, sản phẩm là tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh, giá bán cao, đáp ứng tôm nguyên liệu xuất khẩu.

Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi, mỗi ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao, làm sạch môi trường nước, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nuôi tôm “sạch”.

…Trở thành “vua tôm” đất Quảng Nam

Ngoài việc đầu tư khu chăn nuôi kiên cố hiện đại ra, nông dân Cần mỗi năm còn giải quyết đến 20 lao động, trong đó có 5 kỹ thuật, lương mỗi lao động từ 8 đến 12 triệu đồng, riêng tiền lãi hằng năm ông Cần sẽ trích thêm 10% cho các lao động kỹ thuật.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 6.

“Vua tôm” xứ Quảng Nguyễn Xuân Cần đã bỏ ra số tiền 20 tỷ đồng để đầu tư trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại bằng công nghệ cao (Ảnh: Trương Hồng)

“Số tiền 20 tỷ đồng đầu tư cho việc nuôi tôm không phải còn “cắm” sổ đỏ hay đi vay nóng nữa mà tiền đó là số tiền tôi lãi từ các năm, tôi dùng hết để đầu tư nuôi tôm. Hiện mỗi năm tôi xuất bán khoảng 100 tấn tôm thịt, nếu giá 1kg tôm thịt loại 40 con/kg có giá 170 đến 180.000 đồng thì mỗi năm tôi thu tầm 18 tỷ đồng.

Trừ chi phí đầu tư, nhân công tôi còn lại lãi vòng khoảng 40% trong số 18 tỷ. Nhờ đó mà người dân ở khu vực này họ đặt cho tôi cái biệt danh là “vua tôm” xứ Quảng…”, nông dân Cần bộc lộ.

Với kinh nghiệm học hỏi từ thực tiễn kèm với ý chí quyết tâm lớn, đến nay khu chăn nuôi tôm thẻ chân trắng của nông dân Nguyễn Xuân Cần thuộc dạng tầm cỡ nhất, nhì ở khu vực đất Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Dù ở cương vị nào hay được gọi là người “có tiền” nhưng đối với một nông dân như Nguyễn Xuân Cần lúc nào cũng với đôi dép lê, bộ quần áo thun, chân lúc nào cũng dạo quanh khu vực nuôi tôm với một phương châm sống là không chỉ sống vì bản thân mà ông mang kiến thức, kinh nghiệm có được để chia sẻ lại cho các hộ nuôi tôm xung quanh khu vực.

“Nếu vào vụ tôm, quy định từ lúc nuôi đến lúc xuất bán là phải được 4 tháng, tôm đạt khoảng 40 con/kg mới đạt tiêu chuẩn. Nhưng trong lúc nuôi khoảng 2 tháng, tôm bị sự cố thì tôi chấp nhận bỏ mẻ tôm đó chứ không cố nuôi cho đến 4 tháng. Nếu càng nuôi thì tôm càng chết, vì đó là tôm bị bệnh, bị dịch. Thà mình chấp nhận lỗ ít, chứ không để thua lỗ cả 100% vốn và nhân công.

Nhờ vào các kinh nghiệm đã từng bị thất bại trước đó mà tôi mới rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình “mô hình nào thất bại đó mới là mô hình thành công cho mình””, nông dân Cần chia sẻ bí quyết.

“Vua tôm” xứ Quảng trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc - Ảnh 7.

“Vua tôm” Nguyễn Xuân Cần (Ảnh: Trương Hồng)

Trao đổi với ông Huỳnh Qưới – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết: “Nông dân Nguyễn Xuân Cần là một người có ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương Bình Hải.

Ông Cần có một thời gian nhiều năm bon ba đất khách quê người, cuối cùng ông Cần cũng quay về lại quê hương để đầu tư cho việc nuôi tôm hơn 10 năm nay.

Ông Cần nuôi tôm biết cách tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, hiện nay ông Cần đang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Cho nên hệ thống chăn nuôi, ao nuôi được ông Cần đầu tư bài bản với nguồn kinh phí lớn đến hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh việc nhờ biết đầu tư lớn và biết áp dụng khoa học trong chăn nuôi, nên hiệu quả mang lại rất là cao, mỗi năm ông Cần trừ chi phí ra, còn thu lãi vài ba tỷ đồng…”.

Nguồn tin: danviet.vn