Sau thời gian tạm ngưng thả giống vì giá tôm nguyên liệu giảm mạnh cùng với những khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19, người nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu cải tạo ao nuôi, thả con giống trở lại.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, thông thường những tháng cuối năm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với những tháng khác trong năm. Vì vậy, ở thời điểm này, người nuôi tôm, ai cũng đặt kỳ vọng lớn vào vụ tôm nuôi cuối năm.
Ông Tạ Minh Khoa, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, có 15 năm gắn bó với nghề nuôi tôm qua nhiều mô hình nuôi khác nhau. Trước đây, ông Khoa nuôi tôm theo mô hình quảng canh, rồi quảng canh cải tiến, đến nuôi tôm công nghiệp nhưng từ năm 2018 đến nay ông chuyển sang mô hình siêu thâm canh. Những tháng đầu năm do giá tôm giảm nên ông treo ao chờ giá tăng mới nuôi. Ông Khoa cho rằng nếu giá tôm giữ đà tăng trưởng như hiện nay, người nuôi chắc chắn sẽ có lợi nhuận.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 139.780 ha nuôi trồng thủy sản với nhiều mô hình nuôi khác nhau như tôm thẻ siêu thâm canh, tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh, mô hình kết hợp tôm-lúa, mô hình quản canh cải tiến kết hợp, với sản lượng 200.000 tấn/năm. Trong số đó, huyện Đông Hải là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với hơn 39.000 ha. Giá tôm nguyên liêu tăng đã mang đến tâm trạng phấn khởi cho người nuôi, bởi trong thời gian dài, rất nhiều hộ phải treo ao vì sợ thua lỗ. Hiện tại 100% diện tích nuôi tôm của huyện Đông Hải đều đã được thả giống, trong số này có gần 1.000 ha nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh
Ông Hồ Minh Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho rằng, bên cạnh chi phí đầu tư tăng, thì những bất lợi về thời tiết như nắng nóng, mưa bão nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của tôm nuôi. Theo ông Hồ Minh Phú, tôm thường bị thiệt hại giai đoạn 20 – 75 ngày tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đốm trắng, đầu vàng, vi bào tử.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, đối với việc phòng bệnh cho tôm, người nuôi không nên lạm dụng các chất kháng sinh trong quá trình nuôi nhằm hạn chế khả năng kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị bệnh nếu có. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng cần nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường; tuyệt đối không bơm xả nước trong ao tôm bị bệnh chưa qua xử lý triệt để ra môi trường xung quanh, cần khai báo với chính quyền địa phương nếu phát hiện trường hợp bơm sình ra kênh rạch để kịp thời xử lý, tránh mầm bệnh lây lan.
Ngoài ra, nông dân cần thả giống với mật độ thưa hơn so với thông thường (đối với mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh) nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trên tôm, cũng giảm được chi phí về thuốc thú y thủy sản. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hướng tới sản xuất thân thiện hơn với môi trường, tạo ra sản phẩm tôm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi đạt 100% diện tích so với kế hoạch đề ra. Phần lớn, diện tích thả giống đang thích ứng tốt với môi trường ao nuôi, tôm phát triển tốt, đạt đầu con. Người nuôi tôm trong tỉnh Bạc Liêu đang rất phấn khởi trông chờ vào một vụ mùa bội thu.
Nguồn tin: baotintuc.vn