Ngay sau khi Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nới lỏng các hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đã “ấm” trở lại, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.
Tôm được giá, dễ tiêu thụ, nhiều vùng nuôi đã tất bất dồn sức cho vụ nuôi tôm cuối năm với mong chờ mùa bội thu, vớt vát lại phần nào những tổn thất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mang lại.
Trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Bùi Thế Vương, địa chỉ xã An Ngãi, huyện Long Điền vào những ngày giữa tháng 11 là cảnh công nhân tất nập sửa sang lại thiết bị tạo oxy, chỉnh lại máy quạt nước tại các đầm nuôi, san bớt mật độ nuôi trong các đầm, dồn lực chăm sóc tôm để kịp bán vào những ngày cận Tết Nguyên đán.
Anh Bùi Thế Vương chủ trang trại cho biết, đây là vụ nuôi tôm thứ 3 trong năm. Thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tôm nuôi đã rớt xuống thấp chưa từng có, chỉ từ 125-130 nghìn đồng/kg (loại từ 25-30 con tôm/kg) nhưng đầu ra vẫn ứ đọng không tiêu thụ được, khiến anh Vương bị thua lỗ nặng nề.
Từ tháng 10 đến nay, khi tỉnh nới lỏng giãn cách, giá tôm đã dần khôi phục với giá hiện nay từ 190 -250 nghìn đồng/kg cho loại từ 25-30 con/kg và thương lái đổ xô mua nhưng không có hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng với người nuôi tôm. Nếu thời điểm này có tôm để bán người nuôi sẽ có lãi lớn. Nhờ nuôi gối vụ nên trang trại của anh Vương cũng vẫn có tôm để bán nhưng số lượng không nhiều.
Chính vì vậy, ngay sau khi tôm khôi phục hồi lại giá cả và đầu ra, anh Vương đã triển khai tiếp vụ nuôi cuối cùng trong năm. Với 15 ao nuôi hiện có, anh đã dồn chi phí để thả nuôi cho vụ cuối năm lên đến 10 ao và hy vọng trúng mùa, trúng giá để có thu nhập vớt vát lại những tổn thất trong đợt dịch vừa qua. Vụ tôm cuối năm, anh Vương đã thả 1 triệu con và dự kiến sẽ thu về khoảng 33 tấn tôm thương phẩm.
Anh Vương chia sẻ, giá tôm ấm lên nên nhiều người nuôi trên địa bàn rất phấn khởi thả giống trở lại với hy vọng mùa bội thu. Nuôi tôm vụ cuối năm thời tiết lạnh, mưa, độ mặn trong nước giảm khiến tôm chậm ăn, chậm lớn nhưng lại thường được giá. Sở dĩ giá tôm dịp cuối năm đều lên ở mức cao vì diện tích nuôi tôm trong ao đất mùa này trở đi đều tạm ngưng hoặc chỉ thả quảng canh do gặp bất lợi về thời tiết như kể trên, nên tỷ lệ hao hụt nhiều.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nuôi tôm đầu tư công nghệ cao đã hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết với mức hao hụt từ khi nuôi đến khi xuất bán chỉ vào khoảng 10 %. Nên đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh như: phường 12 (thành phố Vũng Tàu), xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)… Người nuôi tôm đã bắt đầu chuyển đổi từ nuôi ao đất sang nuôi ao đất có lót bạt hoặc làm các ao tròn có đầu tư công nghệ tuần hoàn nước khép kín và nhiều công nghệ khác hiện đại, để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết đến con tôm nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hải, phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, nếu như trước đây nuôi tôm trong ao đất thì vụ tôm cuối năm người nuôi phải “treo” ao, không dám thả nuôi. Nhờ áp dụng nuôi công nghệ cao nên vụ cuối năm, cũng là vụ thứ 3 trong năm này gia đình vẫn có thể thả nuôi bình thường mà không phải quá lo lắng về sự bất lợi về môi trường và thời tiết cuối năm. Năng suất các vụ nuôi trong năm cũng đạt gấp gần 10 lần so với nuôi trong ao đất thâm canh trước đây.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến tháng 10, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là hơn 6.173 ha; trong đó có, 4.324 ha nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ, còn lại là nuôi thủy sản nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thủy sản là 1.835 tấn, tăng 7,6% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao nhất là 15,8% so cùng kỳ, tương đương tăng 746 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tôm nuôi trải bạt được xem là nuôi chủ lực lấy sản lượng, phục vụ thị trường từ nay đến cuối năm.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vụ thứ 3 là vụ phụ bởi bước thời kỳ mưa bão, song nhiều người nuôi nước lợ ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn thả nuôi để đón giá tôm vào dịp cuối năm, thường ở mức cao. Tuy nhiên, Chi cục khuyến cáo người nuôi vụ này nên thả mật độ vừa phải, không quá dày.
Bước vào những tháng cuối năm, người nuôi cần chú ý tuân thủ lịch mùa vụ, thời tiết thay đổi bất thường, nhiêt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn hoặc cơn mưa bất chợt làm thay đổi đột ngột rất lớn gây sốc con tôm, phát sinh một số bệnh trong môi trường nước như: xuất hiện vi sinh vật, tảo gây bất lợi cho con tôm.
Chính vì vậy, trong quá trình nuôi, người nuôi tôm nước lợ cần bảo đảm mực nước luôn ổn định trong ao nuôi, theo dõi tốt môi trường và đặc biệt phải luôn có phương án cụ thể để đối phó với môi trường bất lợi có thể xảy ra trong quá trình nuôi tôm.
Mười năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu người nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới như: lót bạt đáy ao, RAS, ứng dụng công nghệ 234 theo hình thức siêu thâm canh … đều có tỷ lệ thành công cao. Do đó, chi cục khuyến cáo bà con từng bước dần ứng dụng nuôi tôm sạch, tuần hoàn nước, nâng cao hiệu quả, giá trị con tôm góp phần thúc đẩy bền vững ngành nuôi thủy sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu – ông Nguyễn Hữu Thi chia sẻ thêm.
Nguồn tin: baotintuc.vn