Tôm thẻ ở miền Tây được các nhà máy tăng giá thu mua 2-3 lần chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, lượng tôm kích cỡ lớn hiện nay không có nhiều.
Sáng 14/10, chủ các trại nuôi tôm quy mô lớn ở huyện Trần Đề tiếp tục thu hoạch tôm thẻ khi có nhiều nhà máy đẩy mạnh thu mua sau lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer. Anh Lưu Trường Giang – đại diện một doanh nghiệp thu mua thủy sản tại địa phương – cho biết giá tôm thẻ tăng 3.000-7.000 đồng/kg so với một ngày trước.
Tại xã Lịch Hội Thượng của huyện Trần Đề, ông Đ.H.O. thu hoạch 9 tấn tôm thẻ kích cỡ 90 con/kg, nuôi trong 3 ao lót bạt. Với kích cỡ này, tôm của ông O. bán được giá 90.000 đồng/kg, thu lãi trên 300 triệu đồng.
Theo anh Lưu Trường Giang, cách nuôi tôm thẻ của ông O. là vèo con giống trong ao 3-4 tuần rồi chuyển tôm sang ao khác. Sau một tháng sống trong môi trường sạch của ao mới, đàn tôm lớn nhanh, tỷ lệ thiệt hại thấp.
Giá tôm vẫn còn tăng mạnh
“Sau 60-70 ngày thả giống, tôm thẻ nuôi theo mô hình của ông O. đạt kích cỡ 80-90 con một ký. Nếu bán vào thời điểm này vốn đầu tư thức ăn còn ít, gặp giá cao sẽ thu lãi nhiều”, anh Giang đánh giá.
Hiện, tôm thẻ loại 20 con/kg được thương nhân Sóc Trăng mua tại ao của nông dân với giá 230.000 đồng/kg, loại 25 con 175.000 đồng/kg. Tôm thẻ 30 con/kg giá 154.000 đồng, 40 con 132.000, 50 con 122.000, 60 con 108.000, 70 con 103.000, 80 con 98.000, 90 con 90.000 và 100 con 85.000 đồng.
Tại các nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu, tôm thẻ loại 20 con một kg được doanh nghiệp mua với giá 240.000 đồng/kg, 30 con 160.000-165.000, 40 con 140.000-145.000 và 100 con 90.000-95.000 đồng/kg.
Nói với Zing, ông Võ Văn Phục – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam – cho biết giá tôm đang biến động mạnh, có ngày tăng 2-3 lần. Theo ông Phục, giá tôm thẻ dự kiến còn tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg vì sản lượng từ đây đến cuối năm sẽ giảm dần cho gần cuối vụ.
“Những trang trại lớn đang được người nuôi làm vệ sinh để thả giống vụ mới. Nếu tháng 12 thả giống thì tháng 2-3 năm sau mới có nhiều tôm trở lại. Hiện nay chi phí sản xuất tăng cao, doanh nghiệp tốn thêm tiền phòng, chống dịch Covid-19. Còn tiền tàu chở tôm xuất khẩu ra nước ngoài tăng trên 10 lần. Chỉ riêng tiền tàu năm nay công ty tôi tốn thêm 150 tỷ đồng”, ông Phục chia sẻ.
Doanh nghiệp đầu tư lớn cho vùng nuôi
Theo ông Võ Văn Phục, sau lễ Đôn Ta, công nhân tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đã đi làm trở lại nhưng số lượng tăng không nhiều. Lý do doanh nghiệp không thể rước công nhân tại một số địa phương còn nhiều F0 là thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên. Vì vậy, Thủy sản sạch Việt Nam chỉ có khoảng 2.200 công nhân tại các xưởng sản xuất (cao điểm 4.000 công nhân).
Để chủ động nguyên liệu, các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Tài Kim Anh, Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty Khánh Sủng, Công ty Sao Ta… đã đầu tư mạnh cho vùng nuôi. Tại Sóc Trăng, huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu là 2 vùng nuôi tôm thẻ khép kín của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hiện, vùng nuôi của Thủy sản sạch Việt Nam rộng 136 ha do doanh nghiệp tự mua đất để đào ao thả tôm. Ngoài giá trị đất chưa được tính, ông Phục đã đầu tư trên 250 tỷ đồng cho vùng nuôi để mỗi năm thu hoạch trên 3.000 tấn tôm thẻ thương phẩm.
Trao đổi với Zing, bà Quách Thị Thanh Bình – Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng – cho biết so với cùng kỳ năm 2020, tùy theo kích cỡ giá tôm thẻ cao hơn từ 2.000-16.000 đồng/kg. Riêng tôm cỡ 20 con một kg, giá cao hơn năm trước đến 60.000 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi trên 64.569 ha, đạt hơn 87% so với kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ, ước sản lượng thu hoạch 161.472 tấn. Hiện, người dân và các doanh nghiệp đã thu hoạch trên 32.345 ha với tổng sản lượng hơn 142.478 tấn (tôm thẻ chân trắng 131.370,7 tấn, tôm sú 11.107,7 tấn).
Diện tích tôm thiệt hại từ đầu năm đến nay tại Sóc Trăng là 2.595,3 ha (tôm thẻ chân trắng 2.071,1 ha), chiếm tỷ lệ 5,3% diện tích thả nuôi, thấp hơn 722,4 ha so với cùng kỳ năm 2020.
Tác giả bài viết: Việt Tường
Nguồn tin: zingnews.vn