Các hồ nuôi tôm của anh Trần Công Chung được giăng lưới để giảm thiểu thiệt hại khi mưa lớn.
Gia đình anh Trần Công Chung (thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê, Thạch Hà) đang nuôi 2 hồ tôm với 20 vạn con giống, tổng diện tích gần 1.000 m². Với kinh nghiệm 6 năm nuôi tôm, khi nghe tin bão số 8, anh Chung đã cho công nhân đóng cọc, giăng lưới toàn bộ hồ để giảm thiểu thiệt hại nếu không may bão vào.
Anh Chung cho biết: Nuôi tôm chi phí cao, lại hay bị rủi ro dịch bệnh nếu không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường. Chúng tôi có 5 hồ nhưng mùa này thiên tai, thời tiết bất thường nên chỉ thả nuôi 2 hồ. Lứa tôm này mới thả nuôi hơn 1 tháng nên càng cần được chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, khi có tin bão, tôi đã chủ động các biện pháp để ứng phó. Ngoài giăng lưới để tránh tôm tràn ra ngoài nếu nước dâng cao, chúng tôi cũng bổ sung canxi, khoáng để ổn định độ PH cho nước trong hồ.
Người dân Thạch Khê gia cố lại hệ thống hạ tầng nuôi tôm.
Theo ông Hoàng Minh Tâm – cán bộ khuyến nông xã Thạch Khê, toàn xã có gần 24 ha nuôi trồng thuỷ sản của 16 hộ, trong đó 13,5 ha nuôi tôm. Trước dự báo Hà Tĩnh sẽ có các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8, các hộ nuôi trồng đã chủ động thực hiện các biện pháp giằng néo, khoanh lưới xung quanh hồ, bổ sung dưỡng chất tăng đề kháng cho tôm… để giảm thiệt hại.
Tại huyện Lộc Hà, người nuôi trồng cũng đang tất bật gia cố, bảo vệ hồ nuôi tôm trước thông tin về bão số 8.
Ông Trần Bá Chung thường xuyên theo dõi sức khoẻ tôm và bổ sung các dưỡng chất tăng sức đề kháng cho tôm.
Ông Trần Bá Chung (tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà) cho hay: “Tôm lứa này tôi vừa thả được 2 tháng, số lượng 15 vạn con. Những ngày vừa rồi, cùng với gia cố bờ, chuẩn bị máy móc, thiết bị đảm bảo cấp điện ổn định cho hồ nuôi, tôi thường xuyên kiểm tra sức khoẻ của tôm và môi trường nước để chủ động bảo vệ, chăm sóc”.
Theo ông Chung, nhằm chống dịch bệnh do thay đổi môi trường, ông cũng chủ động dự trữ nước mặn ở ao chứa để bổ sung vào hồ nuôi khi trời mưa to, nồng độ mặn của hồ bị giảm. Ngoài ra, ông đã chuẩn bị sẵn 7 tạ vôi bột, 1 tấn canxi cùng một số loại khoáng chất khác để sử dụng.
Người dân đánh khoáng bổ sung vào hồ để tránh nguy cơ tôm bị sốc môi trường.
Ngoài ra, tại các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, thời điểm này, các hộ nuôi cũng đang thực hiện các biện pháp ứng phó với thời tiết.
Chính quyền và ngành chuyên môn các địa phương cũng đã nhanh chóng rà soát lại diện tích nuôi trồng; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện các biện pháp trước và sau bão để kịp thời xử lý các tình huống rủi ro.
Ông Lê Thanh Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Toàn huyện có hơn 300 ha nuôi tôm, tập trung ở các xã: Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Phổ, Cổ Đạm. Vừa qua, địa phương đã tuyên truyền, chỉ đạo để các hộ thực hiện các phương án ứng phó mưa bão, chú trọng các biện pháp kiểm tra, gia cố ao hồ nuôi; bổ sung khoáng chất, vitamin để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường; dự phòng nước mặn để bơm vào hồ nuôi khi cần”.
Giăng lưới toàn bộ hệ thống hồ để tránh thất thoát tôm khi mưa lớn là biện pháp được nhiều hộ nuôi tôm thực hiện.
Theo thông tin từ Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 6.539 ha diện tích đang nuôi thuỷ sản với sản lượng ước khoản 3.113 tấn chưa thu hoạch; trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 1.662 ha, sản lượng 1.273 tấn.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, trước tình hình mưa bão, người nuôi tôm cần lưu ý nạo vét kênh mương; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, bờ bao; chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống ao hồ, hạ tầng khi có tình huống xấu xảy ra…
Cùng đó, phải thường xuyên chăm sóc tôm, kiểm tra chất lượng nước trong hồ nuôi để kịp thời điều chỉnh phù hợp như rắc vôi, đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa kéo dài. Sau mưa, cần sử dụng hóa chất để khử trùng, xử lý môi trường nếu bị ô nhiễm.
Nguồn tin: baohatinh.vn