KHÁNH HÒA – Nhiều hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt kết hợp xử môi nước trước khi đưa vào nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Ghi nhận chúng tôi tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế nuôi trồng thủy sản với diện tích 373 ha, tập trung tại các thôn Xuân Tự 1, Xuân Tự 2 và thôn Xuân Đông.
Ông Trần Thanh Tòng, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, trước năm 2010, bà con nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều có hiệu quả do ít xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, sau này do hệ thống ao đất nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong ao. Cộng với thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt để, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh, nuôi tôm không còn hiệu quả.
Trước tình hình trên, từ 2019 đến nay, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt, kết hợp đầu hệ thống xử lý nguồn nước cấp trước khi đưa vào ao nuôi nên hạn chế được mầm bệnh.
Không những thế các hộ nuôi còn chia nhiều ao nuôi nhỏ để dễ quản lý và xử lý khi có sự cố xảy ra. Với cách nuôi này của bà con nước thải vẫn xả ra môi trường nhưng hạn chế được ô nhiễm so với trước. Tuy nhiên đối với một số hộ áp dụng mô hình nuôi khép kín tuần hoàn thì không xả thải ra môi trường.
Theo ông Tòng, nuôi tôm trên ao bạt kết hợp xử môi trường nước trước khi đưa vào nuôi thì tình hình dịch bệnh trên tôm xảy ra rất ít, năng suất cao. Thời gian nuôi đến khi thu hoạch từ 2,5 – 3 tháng nên người nuôi có thể nuôi 3 vụ/năm. Đặc biệt, với cách nuôi này tỷ lệ thành công đạt 75 %, cao hơn khoảng 30% so với trước đây.
Còn theo ông Trần Ngọc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, thời gian qua nhiều hộ nuôi ốc hương trên địa bàn đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền lót bạt hoặc trong ao tròn, ao nuôi xây dựng kiến cố. Ban đầu chỉ vài hộ áp dụng, dần dần người sau học hỏi kinh nghiệm người trước nên diện tích hiện nay đã lên đến gần 50 ha. Trong đó nhiều hộ nuôi hiệu quả thu lãi tiền tỷ.
Như hộ ông Phương Thục, thôn Xuân Tự 1 là một ví dụ, áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ trên bạt từ năm 2020. Với diện tích 1 ha, ông Thục chia ra nhiều ao nuôi nhỏ, trong đó diện nuôi chỉ gần 4.000 m2, còn lại các ao lắng.
Ông Thục cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc đầu tư ao nuôi lót bạt và các ao lắng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi. Hơn nữa việc đầu tư ao lắng sẽ chủ động nguồn nước cấp cho ao nuôi mà không cần phụ thuộc nguồn nước biển hay nguồn nước bị đục khi mưa hoặc là xung quanh ao nuôi có dịch bệnh.
Theo ông Thục, từ khi áp dụng mô hình nuoi tôm trên bạt, kết hợp xử lý nguồn nước cấp trước khi đưa vào ao nuôi đã giúp ông và nhiều hộ khác trên địa bàn nuôi tôm hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, năng suất thu hoạch cao gấp 10 lần so với ao đất, cùng với đó có thể nuôi được 3-4 vụ/năm. Trong khi trước đây nuôi trên ao đất nhiều khi nuôi một vụ cũng không xong.
“Với diện tích 4.000 m2, mỗi vụ tôi thả 50-60 vạn giống, năng suất thu hoạch đạt trên dưới 20 tấn/vụ. Còn từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch xong 2 vụ và đang thả vụ thứ 3. Vừa rồi do nắng nóng kéo dài, tôm có hao hụt nhưng vẫn thu được hơn 30 tấn, sau khi trừ chi phí tôi lãi tiền tỷ”, ông Thục chia sẻ.
Ông Trần Thanh Tòng, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, địa phương khuyến khích người nuôi đầu tư nuôi trên ao bạt không sử dụng nước ngầm và đầu tư các ao lắng để chủ động nguồn nước cấp vào cao nuôi, nhằm hạn chế được mầm bệnh. Tuy nhiên việc đầu tư mô hình này chi phí lớn, mỗi ha nuôi tôm hết hàng tỷ đồng nên quá khả năng tài chính của nhiều hộ nuôi. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi vay vốn để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.
Tác giả: Kim Sơ-Minh Hậu
Nguồn tin: nongnghiep.vn