Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất tôm
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu-ba tỉnh dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước-đều đang hết sức khó khăn từ vận chuyển con giống, thu hoạch tôm, tới việc buộc phải giảm công suất chế biến 60-70%, rồi thiếu hụt công nhân. Các vùng nuôi tôm ở những địa phương này theo đó cũng gặp khó khăn do thiếu người thu mua tôm. Thực trạng trên đã tác động khiến giá tôm giảm sâu, thêm vào đó người nuôi tôm cũng chật vật để mua thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và vật tư trong nuôi tôm… “Tại tỉnh Cà Mau, giá tôm giảm từ 8.000 đến 23.000 đồng/kg. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Chuỗi sản xuất tôm đối mặt với nguy cơ bị gãy, đổ”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết thêm: Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước thả nuôi diện tích 711 nghìn héc-ta tôm, sản lượng đã thu hoạch 585 nghìn tấn. Giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu, Cà Mau giảm từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Cũng do tác động của dịch Covid-19 khiến tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa giảm do nhu cầu của người tiêu dùng giảm và việc vận chuyển, phân phối tôm gặp khó khăn. Không ít người nuôi tôm thua lỗ. Do đó, nhiều hộ dân chưa dám thả nuôi tôm vụ mới. Nếu tình hình này không được cải thiện, trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm nay, các nhà máy chế biến sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu (Ảnh chụp trước 27-4-2021). |
Không chỉ việc thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ tôm ở thị trường trong nước mà việc vận chuyển tôm giống bố mẹ từ nước ngoài về cũng gặp khó khăn. Trước đây chỉ cần 45 giờ để vận chuyển tôm giống bố mẹ từ Hawaii (Mỹ) về Việt Nam, nhưng do dịch bệnh, thời gian vận chuyển tôm lên tới 60 giờ, thậm chí lâu hơn, cùng với đó là cước vận chuyển cũng tăng gấp đôi.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất, chế biến tôm. Giá tôm giảm liên tục, thậm chí có thời điểm giá giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm nguyên liệu thấp khiến nhiều hộ nuôi tôm lo ngại chưa dám thả nuôi tôm vụ mới. Hiện tại, Cà Mau thả nuôi vụ mới chỉ đạt khoảng 30-40% tổng diện tích…
Gỡ khó cách nào?
Bàn về biện pháp tháo gỡ khó khăn, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, hiện giá tôm cỡ lớn (từ 10 đến 50 con/kg) bán tốt, nhu cầu cao. Để tăng công suất nhà máy trong điều kiện thiếu công nhân thì tăng cường chế biến tôm cỡ lớn. Hiện số lượng công nhân đi làm chỉ đạt 25% nhưng công suất chế biến vẫn đạt 50%, nhờ chúng tôi đẩy mạnh mua, chế biến tôm cỡ lớn. Thời gian chế biến 3kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ. Hiện nhiều khách hàng ở các nước, trong đó có thị trường Mỹ đề nghị chúng tôi cung cấp tôm với số lượng khá lớn. Thế nhưng với tình hình sản xuất, chế biến như hiện nay, chúng tôi chưa dám ký nhiều hợp đồng vì lo không đủ cung ứng cho họ, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp chế biến tôm hiện nay không phải lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến đủ số lượng giao cho khách hàng. Các tỉnh thực hiện giãn cách nhưng cần có giải pháp tạo thuận lợi cho nhân công và lưu thông hàng hóa thuận tiện, để nhà máy thu mua thông suốt. Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi.
Chia sẻ quan điểm này, ông Võ Quan Huy, đại diện Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho rằng, vì thiếu nhân công nên nhiều doanh nghiệp chuyển sang chế biến tôm loại lớn. Hiện giá tôm nguyên liệu loại lớn giá giảm không nhiều so với loại nhỏ, trong khi đó thị trường xuất khẩu tôm lại đang rất tốt. Các nhà máy chế biến lo ngại tâm lý người nuôi tôm không muốn thả nuôi do giá giảm, khó tiêu thụ. Ông Võ Quan Huy đề nghị ngành ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để hỗ trợ người nuôi tôm.
Về nuôi tôm vụ mới, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho hay: Chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi nên tiếp tục thả giống nhưng thả giống mật độ thưa, vừa giảm nguy cơ dịch bệnh cho tôm đồng thời khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể kéo dài thời gian nuôi. Nếu trước đây thường thả nuôi 250 con/m2, bây giờ chỉ 100-150 con/m2.
Để tránh nguy cơ đứt gãy, đỗ vỡ ngành sản xuất, chế biến tôm, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thì thời điểm khó khăn này rất cần các doanh nghiệp chế biến, lẫn doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nguyên liệu nuôi tôm cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm; hạn chế giảm giá thu mua tôm nguyên liệu; không tăng giá tôm giống, vật tư nguyên liệu phục vụ nuôi tôm. Nếu để chuỗi sản xuất tôm bị đứt gãy không chỉ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ nuôi ở các địa phương mà còn tác động tiêu cực tới các hoạt động của doanh nghiệp, công nhân tại các nhà máy. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của người nuôi tôm, doanh nghiệp để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm.
Nguồn tin: qdnd.vn